Bỏ qua menu
Online Store Mở menu

Quản trị đạo đức

Đạo đức kinh doanh của LOTTE DUTY FREE

LOTTE DUTY FREE theo đuổi văn hóa doanh nghiệp công bằng và minh bạch, kinh doanh có trách nhiệm với xã hội, đồng hành cùng phát triển với khách hàng, trở thành một doanh nghiệp ưu tú toàn cầu.
Để thực hiện điều này, Cửa hàng miễn thuế LOTTE đã ban hành và cam kết thực hiện thực tế “Cương lĩnh đạo đức” quy định các quy tắc cơ bản mà toàn thể nhân viên phải tuân thủ mọi lúc mọi nơi.

Lòng tin của khách hàng
Lòng tin với nhân viên
Lòng tin của đối tác
Lòng tin với cổ đông
Tín nhiệm xã hội
  • CHƯƠNG 1

    QUY ĐỊNH CHUNG

    Điều 1 [Mục đích]

    1. Mục đích của Quy tắc này là thông qua thiết lập các tiêu chuẩn hành vi đúng đắn và đánh giá giá trị cho cán bộ nhân viên, tăng cường ý thức thực hiện đạo đức kinh doanh, chuẩn bị nền tảng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh có đạo đức.

    Điều 2 [Phạm vi áp dụng]

    1. Cương lĩnh này được áp dụng cho tất cả nhân viên và công ty đối tác của Cửa hàng miễn thuế LOTTE.

    Điều 3 [Định nghĩa thuật ngữ]

    • 1. Ý nghĩa các thuật ngữ sử dụng trong Cương lĩnh này như sau.
      • ① Hiện kim và hiện vật: tiền mặt, chứng khoán chuyển đổi, vật phẩm khác, v.v có giá trị về mặt kinh tế.
      • ② Thiết đãi, chiêu đãi: các đãi ngộ như mời dùng bữa, uống rượu, chơi thể thao, giải trí, hưởng thụ, v.v.
      • ③ Tiện ích: đãi ngộ về nơi ở và phương tiện đi lại thay cho việc tặng hiện kim, hiện vật, thiết đãi/ chiêu đãi, đãi ngộ đi du lịch, hỗ trợ sự kiện, miễn giảm nợ (tài chính), cấp quyền lợi, v.v.
      • ④ Trường hợp không vi phạm chuẩn mực xã hội: các hành vi có động cơ hay mục đích, phương tiện hay cách thức thực hiện tương tự, tương ứng với hành vi yêu cầu sự hỗ trợ để xâm phạm quyền lợi nhưng vẫn tuân thủ quy trình do cơ quan công quyền quy định, hành vi tặng hiện kim và hiện vật dựa trên một nguyên nhân chính đáng hợp pháp. Đồng thời đây là các hành vi có thể được chấp thuận khi nhìn nhận trên quan điểm luân lý hay chuẩn mực xã hội.
      • ⑤ Người có quan hệ lợi ích: người có quan hệ lợi ích về mặt pháp luật và thực tế liên quan đến việc đưa ra quyết định và dẫn đến hành vi của công ty, nhân viên.
      • ⑥ Công ty đối tác: Cá nhân và pháp nhân đang giao dịch hoặc có giao dịch với công ty..

    Điều 4 [Tổ chức]

    1. Một tiểu ban đạo đức riêng có thể được thành lập để áp dụng quy tắc này.
    2. Phụ trách đạo đức kinh doanh chịu trách nhiệm thực hiện Quy tắc này.

    Điều 5 [Áp dụng]

    1. Về nguyên tắc, hành vi sai trái được phát hiện liên quan đến Quy tắc này sẽ được xử lý theo Quy định của Hội đồng nhân sự. Những điều chưa được quy định trong Quy định đó có thể được quy định riêng trong Quy tắc này.

  • CHƯƠNG 2

    LÒNG TIN CỦA KHÁCH HÀNG

    Điều 6 [Tôn trọng khách hàng]

    1. Bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng bằng cách coi mọi nhận định và hành động của khách hàng là tiêu chuẩn cao nhất và là giá trị ưu tiên trong hoạt động kinh doanh.
    2. Luôn tôn trọng ý kiến ​​của khách hàng, thấu hiểu và tạo ra giá trị giúp khách hàng phát triển.

    Điều 7 [Làm hài lòng khách hàng]

    1. Nỗ lực hết mình để trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.
    2. Bằng cách hiểu chính xác nhu cầu của khách hàng, các khiếu nại và đề xuất được phản hồi và xử lý kịp thời và chính xác.

    Điều 8 [Uy tín đối với khách hàng]

    1. Không cung cấp thông tin sai lệch hoặc phóng đại cho khách hàng, chỉ cung cấp thông tin trung thực và chính xác.
    2. Chỉ nói sự thật với khách hàng và giữ lời hứa với khách hàng.
    3. Thông tin khách hàng không bao giờ được tiết lộ ra bên ngoài và không được sử dụng thông tin này cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc kinh doanh đã được cam kết trước.

  • CHƯƠNG 3

    LÒNG TIN VỚI NHÂN VIÊN

    Điều 9 [Tuân thủ Quy tắc]

    1. Hành động đúng theo luật pháp hiện hành cũng như các chuẩn mực xã hội, quy tắc của công ty và các giá trị đạo đức cao.
    2. Nhân viên trong cuộc sống đời thường và trong công việc không được có hành vi trái luân lý, bị chỉ trích từ xã hội.
    3. Nhân viên phải luôn ghi nhớ trách nhiệm với xã hội, tích cực ứng phó với cơ hội và nguy hiểm xảy ra, hành động và gương mẫu đi đầu theo đúng quy chuẩn quốc tế về kinh doanh trong doanh nghiệp.
    4. Để phòng chống nạn quấy rối tình dục trong công ty, công ty phải thực hiện nghĩa vụ tổ chức giáo dục phòng chống quấy rối tình dục hơn 1 lần 1 năm. Tất cả nhân viên đều phải được hoàn thành khóa học và áp dụng biện pháp chế tài cứng rắn khi có phát sinh hành vi xấu xa.

    • 5. Nhân viên tuyệt đối không được có các hành vi sau.
      • ① Lời nói và hành động nhấn mạnh đến vai trò của giới tính hay gây ra xấu hổ về giới tính đối với đối phương
      • ② Nói chuyện thô tục hoặc có hành vi ép buộc uống rượu hay nhảy múa khi liên hoan
      • ③ Xem văn hóa phẩm đồi trụy trên internet hoặc phương tiện khác ở nơi làm việc
      • ④ So sánh ẩn dụ hay bình phẩm về thân hình của đồng nghiệp
      • ⑤ Hành vi tiếp xúc cơ thể không cần thiết
    6. Nhân viên không sử dụng ưu thế trong mối quan hệ hoặc vị trí trong công ty, vượt quá phạm vi đúng mực trong công việc và gây ra sự khó chịu, nỗi đau về mặt thể chất và tinh thần cho nhân viên khác hoặc có hành vi làm xấu đi môi trường làm việc.
    • 7. Các hành vi bắt nạt cụ thể ở nơi làm việc nghiêm cấm trong công ty như sau.
      • ① Hành vi bạo hành hoặc đe dọa về mặt thể chất
      • ② Liên tục lăng mạ hoặc mắng nhiếc
      • ③ Hành vi làm tổn hại đến danh dự như sỉ nhục trên internet hoặc trước mặt nhân viên khác, hay tung tin đồn về đời tư
      • ④ Hành vi chỉ thị làm việc riêng như liên tục sai việc vặt của cá nhân mà không có lý do chính đáng
      • ⑤ Hành vi nhạo báng hoặc không công nhận thành quả hay năng lực làm việc mà không có lý do chính đáng
      • ⑥ Hành vi tẩy chay tập thể hoặc bài trừ hay xem thường trong quá trình đưa ra quyết định hay thông tin quan trọng liên quan đến công việc mà không có lý do chính đáng
      • ⑦ Hành vi chỉ thị công việc không liên quan đến công việc được ghi rõ trong hợp đồng lao động trong suốt một thời gian dài mà không có lý do chính đáng hoặc chỉ chỉ thị làm các việc vặt không liên quan đến công việc đã ghi trong hợp đồng lao động
      • ⑧ Hành vi không giao việc làm trong suốt một thời gian dài mà không có lý do chính đáng
      • ⑨ Hành vi vượt quá phạm vi công việc khác và gây khó chịu, nỗi đau về mặt thể chất và tinh thần cho nhân viên hoặc hành vi làm xấu đi môi trường làm việc
    8. Ngoài các hành vi được quy định trong Cương lĩnh này, nhân viên không được có các hành vi bị phán xét là phi đạo đức về mặt chuẩn mực xã hội khác.

    Điều 10 [Tận tâm thực hiện công việc]

    1. Thực hiện mọi nhiệm vụ một cách trung thực, minh bạch và luôn nỗ lực tạo ra một văn hóa doanh nghiệp công bằng.
    2. Phòng tránh các nguy hiểm có thể phát sinh do quyết định và hành động của bản thân và phải chịu mọi trách nhiệm khi phát sinh vấn đề.
    3. Báo cáo và ghi chép về tất cả thông tin phải chính xác và trung thực, không được ngụy tạo tài liệu, số liệu và báo cáo sai sự thật.
    4. Phải duy trì và quản lý tốt tài sản của công ty, không được tùy ý sử dụng vào việc cá nhân.
    5. Không xin việc ở công ty đối thủ của công ty.
    6. Nâng cao hiệu suất công việc bằng cách giao tiếp, trao đổi thuận lợi và tích cực hợp tác với đồng nghiệp và các bộ phận liên quan.
    7. Không cho hoặc nhận bất kỳ hình thức lợi ích kinh tế nào như hiện kim và hiện vật, quà tặng, thiết đãi, chiêu đãi, tiện ích, v.v là cái giá để nhờ vả bất chính hay phá vỡ sự công bằng.
    8. Theo nguyên tắc, hành vi trong điều 7 trên là tuyệt đối nghiêm cấm. Trong trường hợp ngoại lệ cũng không được vượt khỏi pháp luật liên quan hoặc quy chuẩn mà xã hội cho phép.
    9. Tiền mừng, tiền phúng điếu cho việc hiếu hỷ của nhân viên là hoàn toàn tự nguyện, không gửi quá nhiều tiền vượt quá chuẩn mực xã hội và tạo gánh nặng cho nhân viên cũng như công ty đối tác.
    10. Tôn trọng quyền bầu cử và tư tưởng chính trị của cá nhân. Tuy nhiên, không được hoạt động chính trị trong công ty, không được sử dụng vốn hay công trình thiết bị, nhân lực của công ty vào mục đích chính trị.
    11. Không được có hành vi bảo lãnh tương hỗ và bảo lãnh liên đới giữa các nhân viên.
    12. Nhân viên không được chơi game có tính gây nghiện, truy cập vào trang web không lành mạnh và cờ bạc trong giờ làm việc.

    Điều 11 [Phát triển bản thân]

    1. Tự thiết lập hình mẫu nhân lực lý tưởng và không ngừng nỗ lực để phù hợp với lý tưởng nhân tài thông qua việc liên tục phát triển bản thân.
    2. Cấp trên xem xét năng lực và tố chất của cấp dưới, hỗ trợ giúp cấp dưới phát triển năng lực.
    3. Công ty khuyến khích nhân viên không ngừng tự phát triển năng lực của bản thân và tích cực hỗ trợ nhân viên nâng cao năng suất công việc.

    Điều 12 [Tôn trọng lẫn nhau]

    1. Nỗ lực tạo ra một nơi làm việc tôn trọng lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp lành mạnh, thấu hiểu và hợp tác với nhau.
    2. Không phân biệt đối xử dựa trên nền tảng giáo dục, giới tính, tôn giáo, tuổi tác, chủng tộc, quốc tịch, v.v.
    3. Không kéo bè kết phái, tổ chức tư nhân gây bất hòa trong tổ chức.
    4. Không tham gia vào bất kỳ lời nói hoặc hành động nào làm suy yếu các mối quan hệ bình đẳng lành mạnh, chẳng hạn như quấy rối tình dục, lạm dụng bằng lời nói hoặc bạo lực.
    5. Không thực hiện các giao dịch tiền tệ hoặc đầu tư chung giữa các nhân viên.

    Điều 13 [Quản lý thông tin và bảo mật]

    1. Tài sản trí tuệ nội bộ hoặc thông tin bí mật sẽ không được tiết lộ ra bên ngoài hoặc cung khai, cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự cho phép hoặc chấp thuận trước.
    2. Không được lợi dụng thông tin nội bộ có được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để các cá nhân, thành viên gia đình và người quen có được lợi ích riêng.
    3. Tài sản trí tuệ là nền tảng của công ty, vì vậy quản lý chặt chẽ về bảo mật.

  • CHƯƠNG 4

    LÒNG TIN CỦA ĐỐI TÁC

    Điều 14 [Thương mại công bằng]

    1. Mọi giao dịch với đối tác đều được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch và công bằng.
    2. Cung cấp cho đối tác cơ hội tham gia công bằng, cung cấp thông tin cần thiết cho giao dịch một cách công bằng, thực hiện tư vấn đầy đủ về các điều kiện giao dịch.
    3. Tuân thủ luật thương mại công bằng.

    Điều 15 [Theo đuổi sự đồng hành cùng phát triển]

    1. Công nhận đối tác là bạn đồng hành vì lợi ích chung, hướng tới sự phát triển chung thông qua củng cố uy tín đôi bên và quan hệ hợp tác.
    2. Thông qua hỗ trợ pháp lý, tăng cường khả năng cạnh tranh với các đối tác và theo đuổi sự phát triển chung.
    3. Nhân viên không thu thập thông tin tuyệt mật của công ty đối thủ hoặc công ty đối tác thông qua khách hàng hoặc mối quan hệ cá nhân.

    Điều 16 [Nghiêm cấm nhờ vả bất chính đối với công chức]

    1. Nhân viên không nhờ vả bất chính đối với công chức, người thi hành công việc công, v.v.
    2. Nhân viên không cho hoặc hứa hẹn với công chức, người thi hành công việc công về hiện kim và hiện vật, thiết đãi, chiêu đãi, tiện ích, v.v tương ứng với một số tiền nhất định hoặc liên quan đến công việc.
    3. Ngoài các hành vi ở mục 2, nhân viên không được hợp tác hay tiếp tay cho hành vi tham nhũng bất chính như đưa hối lộ, rửa tiền, đưa “phí làm gấp”, v.v.

    Điều 17 [Nghiêm cấm hành vi phi đạo đức đối với công ty đối tác]

    1. Nhân viên không được nhận hiện kim và hiện vật, thiết đãi, chiêu đãi hoặc tiện ích, v.v có liên quan đến công việc từ công ty đối tác. Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp không vi phạm chuẩn mực xã hội.

    • 2. Ngoài các hành vi ở mục 1, nhân viên không được hợp tác hay tiếp tay cho hành vi tham nhũng bất chính như đưa hối lộ, rửa tiền, đưa “phí làm gấp”, v.v, đồng thời không được có các hành vi phi đạo đức sau.
      • ① Hành vi hối lộ, yêu cầu hay hứa hẹn lợi ích có giá trị tài sản liên quan đến công việc từ công ty đối tác như thanh toán thay hoặc trả nợ tiền vay trong thẻ, tiền vay tín dụng hoặc khoản vay ngân hàng; hối lộ bằng bảo đảm cho vay; tài sản lưu động, bất động sản, chứng khoán chuyển đổi, quyền kinh doanh và thẻ hội viên, v.v.
      • ② Hành vi yêu cầu hoặc hứa hẹn vay mượn tiền mặt từ công ty đối tác
      • ③ Hành vi đứng ra bảo lãnh hay cho mượn tài sản đối với cá nhân nhân viên từ công ty đối tác và có liên quan đến công việc
      • ④ Hành vi mua, cho mượn và thu được lợi ích thực tế với giá thấp hơn giá thị trường đối với tài sản lưu động, bất động sản từ công ty đối tác và có liên quan đến công việc
      • ⑤ Công ty đối tác có hành vi lăng mạ, mắng chửi hay phát ngôn làm nhục mang tính giới tính đối với nhân viên
      • ⑥ Hành vi yêu cầu thông tin từ công ty đối tác một cách không chính đáng hoặc sử dụng vào mục đích khác
      • ⑦ Sử dụng vị trí cấp trên và có hành vi phi đạo đức khác đối với công ty đối tác

  • CHƯƠNG 5

    LÒNG TIN VỚI CỔ ĐÔNG

    Điều 18 [Nâng cao giá trị cổ phiếu]

    1. Công ty và nhân viên luôn nỗ lực hết sức trong việc bảo vệ tài sản của cổ đông bằng cách làm việc trung thực và minh bạch, không ngừng gia tăng giá trị trung và dài hạn của cổ phiếu bằng cách sáng tạo và đổi mới.
    2. Công ty và nhân viên luôn nâng cao lợi ích cho cổ đông bằng cách kinh doanh minh bạch và lành mạnh cùng với những quyết định hiệu quả, hợp lý, cũng như luôn tích cực lắng nghe ý kiến thiết đáng của cổ đông.

    Điều 19 [Tránh xung đột lợi ích]

    1. Nhân viên không có hành vi sử dụng vị trí của bản thân và gây phương hại đến quan hệ lợi ích khác giữa công ty và cổ đông như vì lợi ích cá nhân. Trường hợp có thể phát sinh xung đột lợi ích với công ty, phải được công ty phê chuẩn trước.

    Điều 20 [Tăng cường tính minh bạch trong kế toán]

    1. Nhân viên soạn thảo, thông báo các tài liệu kinh doanh của công ty theo đúng pháp luật liên quan và quy chuẩn kế toán doanh nghiệp.
    2. Nhân viên không được cố ý ngụy tạo hay sửa đổi văn bản hoặc số liệu khác với sự thật, làm mờ phán đoán hay dẫn đến phán đoán sai lầm của cấp trên hay bộ phận liên quan.

    Điều 21 [Nghiêm cấm giao dịch trong nội bộ]

    1. Nhân viên không sử dụng vị trí hay quyền hạn trong công việc để làm lộ thông tin được biết ra bên ngoài, không có hành vi sử dụng điều này để đạt được lợi ích cá nhân.

  • CHƯƠNG 6

    TÍN NHIỆM XÃ HỘI

    Điều 22 [Hoạt động lành mạnh của công ty]

    1. Tôn trọng luật pháp quốc gia và địa phương cũng như các giá trị xã hội, đồng thời tiến hành các hoạt động kinh doanh hợp lý và lành mạnh.
    2. Loại bỏ sự bất hợp lý cản trở các hoạt động kinh doanh hợp lý.

    Điều 23 [Đóng góp cho xã hội]

    1. Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt xã hội của doanh nghiệp thông qua các hoạt động cống hiến xã hội như giáo dục, văn hóa, học bổng và dự án phúc lợi, v.v.
    2. Công ty khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động tình nguyện xã hội và cống hiến cho sự phát triển của xã hội.
    3. Công ty và nhân viên khiêm tốn tiếp nhận các yêu cầu chính đáng của xã hội địa phương các tầng lớp trong xã hội.
    4. Công ty không ngừng đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng cách tạo việc làm.

    Điều 24 [Bảo vệ môi trường]

    1. Công ty và nhân viên tập trung nỗ lực và duy trì thực hiện hướng đến bảo tồn môi trường Trái Đất tương lai.
    2. Công ty và nhân viên tuân thủ quy định pháp luật về môi trường và tích cực thực hiện phòng tránh biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính.
    3. Công ty và nhân viên duy trì quản lý và trang bị các công trình thiết bị cần thiết trong phòng tránh và cải thiện ô nhiễm môi trường.

    Điều 25 [Tôn trọng tính đa dạng]

    1. Công ty và nhân viên hiểu rõ và tuân thủ luật pháp của từng địa phương, từng quốc gia liên quan đến công việc và tôn trọng giá trị quan cũng như tập quán của quốc gia đến đầu tư.

    Điều 26 [Phân tách chính trị và kinh tế]

    1. Công ty không ủng hộ hay hỗ trợ riêng cho chính trị gia hoặc tổ chức chính trị dưới góc độ của công ty và tổ chức.

    Điều 27 [Quản lý an toàn và phòng tránh tai nạn]

    1. Duy trì kinh doanh, tuyệt đối đảm bảo và bảo vệ an toàn của nhân viên, công ty đối tác và khách hàng được quy định là một hạng mục quan trọng trong kinh doanh.
    2. Tuân thủ quy chuẩn quốc tế liên quan đến an toàn, quy định pháp luật có liên quan, quy định trong công ty và phòng tránh các tai nạn về an toàn.
    3. Huấn luyện và đào tạo theo định kỳ nhằm ứng phó nhanh chóng khi phát sinh thiên tai và phòng tránh tai nạn về an toàn.
    4. Triệt để kiểm tra an toàn và đảm bảo phòng tránh tai nạn về an toàn đối với các công trình.

  • CHƯƠNG 7

    XỬ LÝ VI PHẠM

    Điều 28 [Khai báo vi phạm và bảo vệ người khai báo]

    • 1. Khi phát giác hoặc tiếp nhận khai báo từ người thứ 3 về các hành vi vi phạm Cương lĩnh này, tuyệt đối phải khai báo lên công ty và công ty phải hỗ trợ nhân viên có thể khai báo giấu tên.
    • 2. Đối với vụ việc đã khai báo, Phụ trách đạo đức kinh doanh phải nhanh chóng tiến hành điều tra xác thực sự thật, trả lời nhanh chóng và chính xác các thắc mắc của người khai báo trong quá trình điều tra.
    • 3. Đối với người khai báo và nội dung khai báo, công ty phải tuyệt đối đảm bảo tuyệt mật và không để phát sinh bất kỳ bất lợi nào do khai báo.
    • 4. Người có hành vi phục thù người khai báo do lý do phát sinh từ sự thật được làm sáng tỏ bị xử phạt theo quy định của nội bộ công ty.
    • 5. Kênh thông tin tư vấn và khai báo như sau.

    Điều 29 [Xử lý người vi phạm]

    1. Khi phát giác vụ việc vi phạm Cương lĩnh này, bộ phận liên quan phải soạn thảo bằng văn bản hồ sơ liên quan và nội dung điều tra, sau đó thông báo lên Phụ trách đạo đức kinh doanh ngay lập tức.
    2. Phụ trách đạo đức kinh doanh xem xét vụ việc được thông báo, sau đó yêu cầu triệu tập Ủy ban đạo đức hoặc Ủy ban nhân sự.
    3. Đối với các đối tác liên quan, sau khi xem xét mức độ nghiêm trọng của sự việc, công ty sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp và thực hiện biện pháp khắc phục thiệt hại cho công ty.

  • CHƯƠNG 8

    HỘI ĐỒNG ĐẠO ĐỨC

    Điều 30 [Thành phần của Hội đồng Đạo đức]

    1. Thành phần và việc bổ nhiệm của Hội đồng Đạo đức sẽ được điều chỉnh bởi các quy định liên quan đến Hội đồng Nhân sự.

    Điều 31 [Tổ chức Hội đồng Đạo đức]

    1. Trong trường hợp có sai trái liên quan đến đạo đức nơi làm việc, đội ngũ quản lý hoặc bộ phận liên quan phải chuẩn bị bằng chứng liên quan và các dữ kiện cụ thể bằng văn bản, đồng thời thông báo ngay cho cán sự Hội đồng.
    2. Cán sự Hội đồng xem xét các vấn đề được thông báo và quyết định có triệu tập Hội đồng Đạo đức hay không.

    Điều 32 [Khen thưởng và Kỷ luật]

    1. Công ty có thể khen thưởng cán bộ, nhân viên có đóng góp vào hoạt động quản lý đạo đức theo ý kiến của Hội đồng Đạo đức hoặc Hội đồng khen thưởng, mức độ và thủ tục khen thưởng phù hợp với các quy định liên quan của công ty.
    2. Nhân viên có hành vi vi phạm Quy tắc đạo đức có thể bị kỷ luật theo phán xử của Hội đồng Đạo đức, mức độ kỷ luật và hình thức xử phạt phù hợp với các quy định liên quan của công ty.

  • PHỤ LỤC

    Điều 1 [Thời gian thi hành]

    1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2012. (Bổ sung ngày 01/03/2012)
    2. Quy định được sửa đổi và thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.
    3. Quy định được sửa đổi và thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2015.
    4. Cương lĩnh này được sửa đổi và thi hành từ ngày 17 tháng 09 năm 2021.
    5. Cương lĩnh này được sửa đổi và thi hành từ ngày 14 tháng 09 năm 2022.

    Điều 2 [Nghiêm cấm áp dụng luật hồi tố]

    1. Không áp dụng đối với các hành vi diễn ra trước ngày bắt đầu thi hành Cương lĩnh này.

    Điều 3 [Tiêu chuẩn diễn giải]

    1. Nếu Quy tắc này không quy định hoặc có tranh chấp về cách diễn giải, thì tuân theo cách giải thích và quyết định của Hội đồng Đạo đức.